Vị thế của Rolex gắn với Hans Wilsdorf, người sáng lập và tiên phong sáng tạo tính năng kháng nước, tự động lên cót… cho đồng hồ đeo tay.
Thương hiệu Rolex gắn liền với những mẫu đồng hồ đắt tiền, đẳng cấp. Vị thế dẫn đầu này chưa từng bị lung lay suốt 100 năm qua.
Tạp chí Forbes xếp hạng Rolex là một trong những thương hiệu có giá trị nhất vào năm 2016 và là công ty sản xuất đồng hồ cao cấp hàng đầu thế giới. Mặc dù không công bố doanh số, nhưng các chuyên gia ước tính Rolex bán ra một triệu chiếc đồng hồ mỗi năm.
Sự thành công của Rolex nhờ Hans Wilsdorf, người sáng lập và cũng là bộ não đưa đến nhiều cải tiến cho đồng hồ đeo tay, xác lập vị thế tiên phong cho thương hiệu có tuổi đời hơn một thế kỷ này.
Sinh ra tại Đức vào năm 1881, Hans có tuổi thơ không mấy êm đẹp. Mất cha mẹ khi chỉ mới 12 tuổi, ông cùng anh chị em sống trong sự bao bọc của họ hàng.
Sau khi tốt nghiệp đại học, Hans làm việc cho công ty chuyên cung cấp ngọc trai và học hỏi những bài học đầu tiên về thương mại và chiến lược phát triển.
Dù không thể lý giải, nhưng Hans có một niềm đam mê với đất nước Thụy Sĩ.
Ước mơ về việc thành lập một công ty đồng hồ nhen nhóm trong chàng trai trẻ khi ông chuyển qua làm việc cho công ty xuất khẩu đồng hồ Cuno Korten, nơi vẫn thường nhập linh kiện từ Đức, Pháp và Thụy Sĩ.
Ông sớm thể hiện năng khiếu và gu thẩm mỹ của mình trong lĩnh vực này khi nghiên cứu và đặt hàng ba người thợ chế tác ba chiếc đồng hồ bỏ túi cho mình.
Những chiếc đồng hồ không chỉ có kiểu dáng thời thượng mà còn nhận được giấy chứng nhận về độ chính xác cấp bởi Neuchatel Observatory, một đài thiên văn của Thụy Sĩ chuyên đánh giá tính đảm bảo thời gian tuyệt đối của đồng hồ.
Mẫu sản phẩm này nhanh chóng gây sốt tại thị trường Đức, đồng thời cũng đưa uy tín và sự trọng dụng đến chàng trai dịch thuật viên thuở nào.
Thời kỳ đó, đồng hồ đeo tay vẫn còn khá lạ lẫm với nhiều người, bởi độ chính xác của sản phẩm không cao. Nhưng điều đó lại càng làm chàng trai trẻ thêm thích thú và muốn tạo ra những chiếc đồng hồ đeo tay không chỉ chạy đúng giờ mà còn có mẫu mã thanh lịch.
Năm 1903, Hans quyết định đến London, Anh để sinh sống và làm việc cho công ty sản xuất đồng hồ, nuôi dưỡng giấc mộng mở doanh nghiệp riêng một ngày không xa.
Cơ duyên đã giúp ông gặp gỡ Alfred James Davis, người có đủ điều kiện tài chính để biến ước mơ của ông trở thành sự thật. Họ cùng sáng lập nên công ty chuyên phân phối đồng hồ vào năm 1905, khi ấy Hans chỉ vừa 24 tuổi.
Để thuyết phục người tiêu dùng tại Anh sử dụng sản phẩm của công ty, Hans sử dụng các linh kiện nhỏ nhất nhập khẩu từ công ty ở Bienne, Thụy Sĩ, nơi vốn vang danh bởi độ chi tiết và sự chính xác để sáng tạo ra mẫu đồng hồ riêng của mình.
Có được cái tên Rolex là những ngày trằn trọc suy nghĩ của Hans, bởi ông muốn tên thương hiệu ngắn gọn, dễ nói và dễ nhớ bằng bất cứ ngôn ngữ nào, đồng thời phải thể hiện tính chất của một chiếc đồng hồ.
“Tôi đã thử kết hợp các chữ cái theo mọi cách có thể, với hàng trăm cái tên, nhưng chẳng mấy hài lòng. Cho đến một buổi sáng, khi đang ngồi trên xe ngựa, cứ như có một giọng nói thì thầm bên tai tôi: Rolex”, ông nhớ lại.
Điều quan trọng nhất đối với một chiếc đồng hồ là sự chính xác tuyệt đối về mặt thời gian. Đó cũng là yếu tố đầu tiên mà Hans đặc biệt chú trọng cho sản phẩm của mình. Từng chuyển động, từng linh kiện nhỏ đều được gia công tỉ mỉ.
Vào năm 1910, Rolex là hãng đồng hồ đeo tay đầu tiên trên thế giới nhận được giấy chứng nhận về độ chính xác do Trung tâm đánh giá đồng hồ Thụy Sĩ cấp. Từ đó, thương hiệu này gắn liền với sự đáng tin cậy về độ chính xác.
9 năm sau, Hans chuyển trụ sở công ty đến thành phố Geneva, Thụy Sĩ, nơi nổi tiếng về việc chế tác đồng hồ. Bước ngoặt này mở ra hàng loạt sáng tạo và đổi mới không ngừng, đưa đến những tính năng đầu tiên cho đồng hồ đeo tay.
“Tôi muốn tạo ra một chiếc đồng hồ để ai cũng có thể đeo được mỗi ngày mà không cần phải tháo ra”, nhà sáng lập chia sẻ định hướng của mình.
Không muốn người sử dụng phải gặp những bất tiện khi sinh hoạt hay đi bơi, ông nghiên cứu tính năng chống thấm nước cho sản phẩm của mình. Năm 1926, chiếc đồng hồ chống nước đầu tiên trên thế giới với tên gọi Oyster ra đời, được trang bị vỏ bọc kín nhằm bảo vệ tối ưu các linh kiện nhỏ bên trong.
Hans cũng vận dụng một chiến lược quảng bá hiệu quả cho tính năng mới này khi để vận động viên bơi lội nữ Mercedes Gleitze mang đồng hồ của mình bơi qua eo biển Anh trong thời gian 10 giờ đồng hồ. Và ở cuối chặng bơi, chiếc đồng hồ vẫn duy trì hoạt động bình thường.
Chiến lược thông minh của ông là để các vận động viên, nhà thám hiểm, phi công hay các tay đua xe thể thao sử dụng đồng hồ, nhằm kiểm tra, phô diễn thuộc tính và chức năng trong nhiều điều kiện môi trường khác nhau, đặc biệt là những địa hình khắc nghiệt.
Có thể nói, không chỉ giàu ý tưởng về thiết kế đồng hồ, nhà kinh doanh lừng danh còn nhạy bén trong kế hoạch quảng cáo sản phẩm.
Vào thời kỳ diễn ra Chiến tranh Thế giới Thứ hai, biết được phi công trong lực lượng không quân sử dụng đồng hồ Rolex nhưng bị tịch thu, ông đã đưa ra lời đề nghị phát mới miễn phí cho họ.
Chưa hài lòng với những gì đã đạt được, nhà sáng lập tham vọng còn tiếp tục sáng tạo nên tính năng mới.
Năm 1945, mẫu đồng hồ với cái tên Datejust tiếp tục đánh dấu vị trí tiên phong tạo nên xu thế của Rolex khi có thêm một phần trên mặt đồng hồ chỉ ngày tháng.
Dù đối tượng ban đầu là dành cho nam giới, nhưng với vẻ đẹp phi giới tính và thiết kế thanh lịch, sang trọng, Rolex dần được phụ nữ yêu thích sử dụng trong những thập niên tiếp theo.
Hans Wilsdorf mất vào năm 1960, nhưng những phương châm và sự yêu thích sáng tạo, đổi mới không ngừng của ông được kế thừa bởi những nhà điều hành ở thế hệ sau.
Công ty vẫn đều đặn nghiên cứu, cải tiến và đưa ra thị trường những dòng sản phẩm mới. Và trong lòng người tiêu dùng, đồng hồ Rolex vẫn luôn gắn liền với vẻ đẹp, sự sang trọng, tinh xảo và sức sống bền bỉ qua thời gian.
“Chúng tôi muốn là người tiên phong trong lĩnh vực này. Rolex phải được xem là đầu tiên, duy nhất và tốt nhất”, câu nói nổi tiếng của Hans Wilsdorf đã trở thành phương châm của hãng đồng hồ danh tiếng cho đến tận ngày nay.